Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bước lên bục phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 12, sau lưng ông là “Biển Đông nổi sóng”, là những
ngư dân Việt Nam ra khơi trở về với chiếc tàu bị bắn cháy
Và ở phía dưới bục phát biểu, những nhà lãnh đạo của châu Á
– Thái Bình Dương chăm chú nhìn ông bởi họ biết, đây sẽ là thời khắc Việt Nam
lên tiếng.
Từ Shangri-la nói về Biển Đông…
“Trong lịch sử thế giới, nhiều dân tộc đã phải gánh chịu những
mất mát không gì bù đắp được khi là nạn nhân của tham vọng cường quyền, của
xung đột, chiến tranh. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp
quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành
giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên
quyết để xây dựng lòng tin chiến lược”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng trước bục phát biểu tại đối thoại an ninh Shangri-
la 12
Và để nói một cách rõ ràng hơn về quan điểm của Việt Nam, Thủ
tướng đã nhấn mạnh: “Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều
đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và
mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát
triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững,
thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng;
những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần
xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”.
Có lẽ không còn thông điệp nào rõ ràng, rành mạch và “đánh
thẳng vào vấn đề” hơn những lời trong bài phát biểu của Thủ tướng. Tất cả đã được
nêu bật một cách “vừa đủ”. Đủ để những nhà lãnh đạo quốc gia đang ngồi phía dưới
hiểu rằng Việt Nam phản đối mọi sự áp đặt bằng cường quyền, quyết tâm chống lại
mọi sự đe dọa bằng chiến tranh vì hơn ai hết, người Việt Nam thấu hiểu cái giá
của chiến tranh. Đủ để những kẻ đang nhăm nhe “cưỡng bức Biển Đông” hiểu rằng
Việt Nam đã và đang làm tất cả để bảo vệ hòa bình nhưng không thể để mất sự tôn
trọng cần thiết. Đủ để tất cả những ai nghe được bài phát biểu này hiểu rằng,
Thủ tướng Việt Nam đang muốn nói đến điều
gì… Và trên tất cả, Thủ tướng đã thuyết phục được toàn thể châu Á – Thái Bình
Dương cùng nhất trí rằng “chúng ta cần phải đoàn kết” để xây dựng một “niềm tin
chiến lược”.
Cũng cần phải nói lại cho rõ, không phải ngẫu nhiên mà
Singapore – nước chủ nhà của Đối thoại Shangri-La 12 – quyết định chọn Thủ tướng
Việt Nam là người phát biểu khai mạc sự kiện rất quan trọng này. Kể từ năm
2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ năm được mời
phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La.
Ông David Camroux – chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á, hiện
là giảng viên trường Chính trị Paris, từng là Giám đốc Trung tâm Âu – Á, Phó Tổng
biên tập tờ Current Southeast, Asia Affairs… cho rằng: “Đây là một chi tiết
quan trọng mang tính biểu tượng bởi chúng ta đều biết Indonesia là nước lớn nhất
trong khối ASEAN nên việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính ở
Shangri-La cho thấy Việt Nam, giống như Indonesia, được coi là một nước quan trọng
trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế cũng đúng như thế, vì rõ ràng là Việt Nam có
một vị trí trung tâm trong các vấn đề địa chính trị của khu vực”.
Trong năm 2012, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang
Yudhoyono được mời với hàm ý coi nước này là
“anh cả” của ASEAN còn trong năm 2013, Thủ tướng Việt Nam được mời vì
như chính Tiến sỹ John Chipman, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến
lược Quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La nói: “Sự tham gia của
Thủ tướng Việt Nam và các quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc phòng hiện
tại cũng như các cơ hội giải quyết xung đột sẽ tăng thêm sức nặng đáng kể cho
các cuộc thảo luận quan trọng về an ninh khu vực sẽ diễn ra tại Đối thoại
Shangri-La”.
Và chính những phản ứng vô cùng phấn khích của các đại biểu
tham dự Đối thoại Shangri-La 2013 và của giới truyền thông quốc tế ngay sau khi
bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc đã cho thấy, Việt Nam một
lần nữa tỏa sáng rực rỡ trên chính trường quốc tế.
Ông Andrew Billo, Trợ lý Giám đốc Chương trình Chính sách của
tổ chức Asia Society cho rằng: “Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam được đánh
giá cao. Một mặt, Thủ tướng Việt Nam đã tập trung nhiều vào vấn đề củng cố lòng
tin, việc xây dựng lòng tin và mối quan hệ hợp tác… Việt Nam đã giải quyết phần
lớn các vấn đề một cách hiệu quả. Việt Nam đã thành công trong việc duy trì đường
lối đối ngoại vững chắc nhưng không đến mức cứng rắn… Trong bối cảnh đó, Việt
Nam được nhìn nhận là một đối tác ngày càng có trách nhiệm, tạo nền tảng cho một
sự hợp tác quốc tế rộng mở hơn”.
Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiết lộ một chi tiết
rằng, ngay tại tiệc chiêu đãi, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã phải
thừa nhận: “Bởi quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị này không chỉ mang tính chất
xây dựng, kêu gọi các nước cùng nhau đoàn kết, xây dựng củng cố niềm tin mà còn
mang đến một cách tiếp cận mới, mang tính đột phá. Chính vì sự rõ ràng thẳng thắn
của ngài mà như ngài và các ngài đây đã rõ, trong phát biểu của mình, chúng tôi
cũng thẳng thắn, sòng phẳng theo!”.
Sức ảnh hưởng của khái niệm “xây dựng lòng tin chiến lược”
mà Thủ tướng Việt Nam đã đưa ra lớn đến mức mà ngay sau đó, ở cuối bài phát biểu
của mình sau khi ngỏ lời mời Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tới tham dự cuộc
gặp do Mỹ lần đầu tiên tổ chức tại Hawaii vào năm 2014, Bộ trưởng Chuck Hagel
đã nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng lòng tin
chiến lược “Các mối quan hệ, lòng tin và sự tin cậy là những nhân tố quan trọng
nhất trong khu vực”.
Với giới truyền thông quốc tế, có lẽ bài phát biểu của Thủ
tướng và những quan điểm của Việt Nam đã “chạm tới điểm kích nổ” của họ trước
những vấn đề nóng bỏng của khu vực. “Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra
mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng
người thua – mà tất cả cùng thua”, Straits Times – tờ báo lớn nhất của
Singapore trích lời Thủ tướng.
Tờ AsiaOne sau đó đã lấy lại ảnh của Straits Times đồng thời
dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để tăng cường lòng tin trong khu vực,
các nước dù là lớn hay nhỏ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và nhận thức được
trách nhiệm của mình.
Trong khi đó, Reuters là một trong những hãng tin trích
nguyên văn nhiều câu của Thủ tướng như: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức
mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc
tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền… Vì vậy cần có một ASEAN đoàn kết,
vững mạnh, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên “buộc phải lựa
chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với
các nước lớn”.
Bài của Reuters sau đó cũng được tờ Star Online của
Philippines và website của kênh truyền hình NBC của Mỹ đăng lại.
(Trích bài phát biểu của Thủ tướng tại Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét